Lịch sử Richelieu (lớp thiết giáp hạm)

Richelieu

Vào tháng 1 năm 1940, Richelieu rời ụ tàu để được tiếp tục trang bị tại ụ tàu Laninon thuộc Xưởng hải quân Brest. Được chế tạo riêng biệt, mũi tàu và đuôi tàu được lắp ráp tại đây, do ụ tàu Salou chỉ dài 200 m. Đến tháng 4 năm 1940, nó ra khơi lần đầu tiên; rồi tiến hành chạy thử máy và tác xạ trong cuối tháng 5 và giữa tháng 6, đạt được tốc độ 32 knot và bắn thử vài phát từ dàn pháo chính và pháo hạng hai. Do việc quân đội Đức tiến quân đến gần, nó buộc phải rời Brest vào ngày 18 tháng 6 hướng đến Dakar, mang trên tàu 250 quả đạn pháo cho dàn pháo chính nhưng chỉ với 48 liều thuốc phóng.[34][35] Nó đến Dakar vào ngày 23 tháng 6.

Ngày 8 tháng 7, năm ngày sau vụ tấn công tại cảng Mers-el-Kébir, Richelieu bị sáu máy bay ném ngư lôi tấn công và bị đánh trúng phía đuôi, làm hư hại trục chân vịt bên mạn phải. Cuối tháng 9 năm 1940, nó tham gia vào việc phòng thủ Dakar chống lại một dự định đổ bộ do lực lượng liên quân Anh-Pháp tự do tiến hành (Chiến dịch Menace). Nó may mắn chỉ bị hư hại nhẹ bởi những phát suýt trúng trong số khoảng 250 phát hải pháo BL 381 mm (15 inch) Mk I từ các thiết giáp hạm HMS BarhamHMS Resolution Anh Quốc.[34][35] Tuy nhiên, khi sử dụng dàn pháo chính của mình bắn trả hạm đội Anh, chủ yếu nhắm vào HMS Barham, nó đã chịu hư hại nặng ba trong số các nòng pháo của dàn pháo chính. Một ủy ban điều tra do Đô đốc Hervé de Penfentenyo dẫn đầu vào năm 1941 đã kết luận về nguyên nhân của sự cố này.[36] Đó là do sử dụng nhầm kiểu thuốc phóng SD19 vốn dành cho Strasbourg đang được dự trữ tại Dakar, thay vì kiểu thuốc phóng SD21 chế tạo riêng cho nó.

Công việc sửa chữa tạm thời được tiến hành tại Dakar, nơi mà một số vũ khí phòng không hạng nhẹ được bổ sung sau khi xác định các tháp pháo 152 mm không có hiệu quả phòng không, và vào tháng 4 năm 1941, Richelieu là thiết giáp hạm Pháp đầu tiên được trang bị các thiết bị radar (gọi là thiết bị dò tìm điện-từ) đầu tiên do Pháp chế tạo. Đến ngày 24 tháng 4 năm 1941, Richelieu có thể di chuyển với tốc độ 14 knot (26 km/h) với ba động cơ, chân vịt thứ tư đã bị tháo dỡ. Trong tháng 7 năm 1941, ba thủy phi cơ Loire 130 được đưa lên tàu.[37]

Vào tháng 11 năm 1942, lực lượng Đồng Minh đổ bộ thành công lên gần Casablanca, OranAlgiers. Không lâu sau đó lực lượng Pháp tại Tây Phi gia nhập vào phe Đồng Minh, và Richelieu được quyết định cho tái trang bị dưới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Hai máy phóng máy bay cùng một số vũ khí phòng không được tháo dỡ để thay bằng các kiểu vũ khí khác.[38]

Richelieu rời Dakar vào ngày 30 tháng 1 năm 1943 cùng với tàu tuần dương Montcalm và đến nơi vào ngày 11 tháng 2 để được tái trang bị tại Xưởng hải quân New York.[39] Bốn nòng pháo từng trang bị cho Jean Bart được chở từ Casablanca đến để thay thế cho ba nòng pháo bị hư hại của tháp pháo trên của Richelieu, chiếc thứ tư được dùng trong thử nghiệm tầm bắn tại Trung tâm Hải quân Dahlgren.[38]

Chỗ trống có được phía đuôi tàu nhờ tháo dỡ các thiết bị máy bay được sử dụng để trang bị các khẩu đội phòng không 40 mm. Hoả lực phòng không nói chung được tăng cường đáng kể với 48 khẩu 20 mm trên các bệ nòng đơn thay thế cho các súng máy 13,2 mm Hotchkiss nguyên thủy, cùng 14 khẩu đội 40 mm bốn nòng thay thế cho các khẩu 37 mm bán tự động. Việc áp dụng sơ đồ pháo hạng hai kiểu Mỹ giúp cho việc cung cấp đạn dược thuận lợi hơn, và một nhà máy đặc biệt được được dành riêng để sản xuất đạn pháo với cỡ nòng phù hợp cho dàn pháo chính. Máy đo tầm xa trên cao nhất của tháp phía trước dành cho dàn pháo 152 mm, vốn chưa bao giờ sử dụng, được tháo dỡ, và cột ăn-ten sau được cắt ngắn. Hai thiết bị radar được trang bị cho mục đích cảnh báo không trung và mặt biển, nhưng đã không được trang bị radar hướng dẫn hỏa lực. Tất cả các sự cải biến này khiến trọng lượng choán nước tăng thêm 3.000 tấn. Sau khi chạy thử máy đạt được tốc độ tối đa 30,2 knot, việc tái trang bị được tuyên bố hoàn tất vào ngày 10 tháng 10 năm 1943.[40]

Richelieu gia nhập Hạm đội Nhà Anh Quốc từ tháng 11 năm 1943 đến tháng 3 năm 1944, được trang bị trong giai đoạn này những thiết bị radar bổ sung trong đó một số là của Anh. Sau đó nó gia nhập Hạm đội Viễn Đông (Anh Quốc), tham gia cuộc bắn phá Sabang vào ngày 19 tháng 4 năm 1944, và tiếp tục bắn pháo hỗ trợ tại các vùng biển Viễn Đông cho đến khi quay trở về Pháp vào tháng 9. Sau một tuần lễ tại Toulon, nó lên đường đi Casablanca để bảo trì, đến nơi vào ngày 10 tháng 10 năm 1944. Nó được tái trang bị tại Gibraltar vào tháng 1 năm 1945, rồi tái gia nhập Hạm đội Viễn Đông từ tháng 3 năm 1945 cho đến khi chiến tranh chống Nhật kết thúc. Trong những tháng cuối cùng của năm 1945, Richelieu tham gia vào việc đưa lực lượng Pháp quay trở lại Đông Dương.

Sau năm 1946, Richelieu hiện diện như một tàu chiến trong thời bình, xen kẻ các đợt huấn luyện với các chuyến đưa Tổng thống Cộng hòa Pháp viếng thăm các thuộc địa cũ tại Tây Phi năm 1947, tập trận cung với tàu sân bay Arromanches (R95) (nguyên là HMS Colossus của Hải quân Hoàng gia Anh) khi nó gia nhập Hải quân Pháp, cùng các chuyến viếng thăm chính thức Anh Quốc hay Bồ Đào Nha. Trong một đợt đại tu tại Toulon, nó được trang bị các bộ radar do Pháp chế tạo, cùng bốn nòng pháo 380 mm nguyên được dự trữ dành cho Clemenceau, bị quân Đức chiếm trong chiến tranh và sử dụng như pháo phòng duyên tại Na Uy và Normandy, cũng như được thử nghiệm tại cơ sở của hãng Krupp tại Meppen, Đức.

Quay trở lại hoạt động, vào ngày 26 tháng 1 năm 1956, nó đã cùng cơ động chung với con tàu chị em Jean Bart trong vòng vài giờ, trước khi được đặt căn cứ tại Brest như một trường huấn luyện tác xạ. Được đưa về lực lượng dự bị năm 1958, nó được cho ngừng hoạt động năm 1968 rồi được bán để tháo dỡ tại Ý.

Jean Bart

Jean Bart được đặt lườn vào tháng 12 năm 1936, được chế tạo trong một ụ tàu lớn của Xưởng đóng tàu Atlantic & Loire tại Saint-Nazaire, sau này được đổi tên thành "ụ tàu Jean Bart", được dự định sẽ hạ thủy vào tháng 10 năm 1940. Vào tháng 5 năm 1940, người ta quyết định gửi chiếc thiết giáp hạm chưa hoàn tất đến một nơi an toàn hơn ở Anh hay Bắc Phi thuộc Pháp, bên ngoài tầm hoạt động của Không quân Đức. Con tàu được cho nổi bên trong một vũng sông, được ngăn cách với tuyến đường sông bởi một đập đắp bằng đất. Khi tình hình diễn biến của Trận Pháp hầu như sẽ dẫn đến việc thua trận vào cuối tháng 5, đập đất bắt đầu được đào sẵn sàng cho việc hạ thủy nó lúc con nước thủy triều tiếp theo vào ngày 20 tháng 6. Một nửa hệ thống động lực của nó, các nồi hơi và turbine, được trang bị để hoạt động khi cần thiết. Ngày 18 tháng 6, khi các sư đoàn xe tăng Đức tiến đến gần, vị chỉ huy của Jean Bart được lệnh sẵn sàng rời đến Casablanca hay đánh đắm con tàu. Không thể đợi đến nữa đêm hôm sau, và với một giới hạn mớn nước rất hẹp để vượt qua, vào những giờ đầu tiên của ngày 19 tháng 6, hầu như trong tầm nhìn của các đơn vị tiền phương Đức, Jean Bart, chỉ mới hoàn tất 75% và các động cơ hơi nước chưa từng hoạt động, và dưới mối đe dọa của máy bay ném bom Đức, được đưa ra khỏi ụ tàu St. Nazaire và đi đến Casablanca, Maroc, vào ngày 22 tháng 6.

Chỉ có một trong số hai tháp pháo 380 mm của nó được trang bị, các nòng pháo của tháp pháo thứ hai bị bỏ lại hay bị mất khi chiếc tàu hàng chở chúng đi theo bị đánh chìm. Dàn pháo hạng hai 152 mm cũng chưa được gắn, và được thay thế bằng các khẩu đội súng máy phòng không. Máy đo tầm xa điều khiển hỏa lực cũng chưa được trang bị. Jean Bart tiếp tục neo đậu tại cảng Casablanca trong tình trạng chưa hoàn tất, vì tại Bắc Phi không có các phương tiện công nghiệp để hoàn thành nó.

Vào ngày 8 tháng 11, lực lượng Đồng Minh đã đổ bộ lên Bắc Phi thuộc Pháp trong khuôn khổ Chiến dịch Torch. Jean Bart đã sử dụng các khẩu pháo 380 mm của nó chống lại các tàu chiến Mỹ đang hỗ trợ cho cuộc đổ bộ; tầm xa tác xạ được các trạm trên bờ tính toán phối hợp rồi gửi dữ liệu bằng điện thoại đến chiếc tàu chiến. Nhưng nó nhanh chóng bị câm họng bởi các phát đạn pháo 406 mm từ thiết giáp hạm USS Massachusetts, làm hỏng cơ cấu xoay tháp pháo của chiếc thiết giáp hạm Pháp. Đến ngày 10 tháng 11, được sửa chữa qua loa, Jean Bart đã bắn suýt trúng tàu tuần dương hạng nặng USS Augusta, soái hạm của Lực lượng Đặc nhiệm 34; tuy nhiên máy bay ném bom từ tàu sân bay USS Ranger nhanh chóng gây hư hại nặng cho mũi và đuôi tàu, và chiếc thiết giáp hạm mắc cạn xuống đáy bùn trong cảng với các sàn tàu ngập nước.

Sau khi lực lượng Pháp tại Bắc Phi gia nhập vào phe Đồng Minh, Jean Bart xem ra vẫn có giá trị để có thể tái trang bị dưới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ như trường hợp của Richelieu. Như được trình bày bởi Phó đô đốc Fenard, Trưởng phái bộ Hải quân Pháp tại Hoa Kỳ, mong muốn của Hải quân Pháp hoàn tất Jean Bart tại một xưởng tàu của Mỹ, được đưa ra thảo luận trong năm 1943. Nhưng các giới chức Hải quân Mỹ cho rằng việc này vượt quá khả năng của họ, vì con tàu quá khác biệt so với những tàu chiến Mỹ tương đương, và thiếu hụt những vật liệu đặc thù. Thay vì hoàn tất nó như thiết kế, người ta đề nghị vào tháng 5 năm 1943 chỉ hoàn tất nó với một tháp pháo, bằng những khẩu 340 mm lấy từ thiết giáp hạm Lorraine đã gia nhập lực lượng Đồng Minh sau khi ở lại Alexandria từ năm 1940 đến năm 1943; cùng mười lăm tháp pháo 127 mm nòng đôi đa dụng do Mỹ chế tạo, và những thiết bị để mang theo sáu máy bay, vốn sẽ biến Jean Bart thành một kiểu thiết giáp hạm lai tàu sân bay. Một đề nghị thứ hai với cùng một kiểu dàn pháo chính như trên cùng nhiều kiểu pháo cao xạ sẽ biến nó thành một thiết giáp hạm phòng không. Tuy nhiên, cuối cùng, Đô đốc King, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ quyết định vào tháng 3 năm 1944, bác bỏ mọi đề nghị của Pháp, và Jean Bart tiếp tục ở lại Casablanca.

Jean Bart quay trở về Pháp vào năm 1945, và nó được hoàn tất vào năm 1949 theo một thiết kế được nâng cấp, ảnh hưởng nhiều bởi những bài học rút ra được trong chiến tranh. Nó tham gia vụ Khủng hoảng kênh đào Suez ngoài khơi Ai Cập vào năm 1956; nhưng chưa từng đối đầu với tàu chiến đối phương nào khác cho đến khi đưa về lực lượng dự bị năm 1957, ngừng hoạt động năm 1961 và bị tháo dỡ vào năm 1969.

Clemenceau và Gascogne

Clemenceau chưa hoàn tất và bị tháo dỡ đang khi chế tạo. Gascogne chưa hề được đặt lườn.